Thứ năm, 21/11/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2024)

Thứ năm, 19 Tháng 8 2021 07:39

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÀI – ĐỨC CỦA NGƯỜI  THẦY VÀO CÔNG TÁC GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LÂM ĐỒNG

     Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục và đánh giá cao vai trò của người thầy trong hệ thống giáo dục. Người nhấn mạnh: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục[1]. Người thầy có nhiệm vụ “phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ[2], tạo ra lớp người tài – đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Muốn làm được điều đó, bản thân người thầy cũng phải rèn luyện tài – đức, trở thành tấm gương sáng, hình mẫu về mọi mặt từ tư tưởng, đạo đức đến năng lực chuyên môn. Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng không kém phần khó nhọc, đòi hỏi người thầy phải phấn đấu, rèn luyện và bồi dưỡng suốt đời.

     1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tài – đức của người thầy

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về tài – đức của người thầy được thể hiện qua các bài nói chuyện của Người với giáo viên một số trường khi có dịp tiếp xúc và làm việc, điển hình là “Bài nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên” tháng 8-1959 và “Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” tháng 10-1964.

     Phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của người thầy quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo con người. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh từng nói: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị[3]. Theo đó, đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời, biểu hiện qua hình ảnh: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn[4] hay “Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào?[5].

     Trong mối quan hệ biện chứng đó, Người nhấn mạnh phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, đức phải có trước tài; bởi lẽ: “Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt... cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng[6]. Qua đó cho thấy, Hồ Chí Minh rất chú trọng phương pháp nêu gương, lấy đức làm gốc. Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy không chỉ cần có những phẩm chất đạo đức của người cách mạng mà còn phải tu dưỡng những phẩm chất đạo đức của nghề dạy học. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng… Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[7]. Bên cạnh đó, Người còn chỉ rõ những phẩm chất đạo đức cần phải có đối với người làm nghề giáo, đó là: thật thà yêu nghề, có tinh thần đoàn kết, giữ gìn kỷ luật, phát huy dân chủ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm, có chí khí cao thượng, phải  “tiên ưu lạc hậu”, nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ[8]. Để đạt được những phẩm chất đạo đức đó, người giáo viên phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng, bởi như Người đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong[9].

     Luận về tài, theo Hồ Chí Minh, người thầy phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, gắn lí luận với thực hành; chủ động, sáng tạo, tìm ra phương pháp dạy hiệu quả: Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra”[10]. Trên cơ sở đề cập đến sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật của nhân loại, Hồ Chí Minh mong muốn: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”[11]. Điều đó chứng tỏ, người thầy thực sự tài giỏi phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nhạy bén với sự phát triển của thời đại; nhờ đó hiệu quả giảng dạy, giáo dục mới được đảm bảo. Bài học về tài - đức của người thầy trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn trở thành phương châm hành động cho giáo viên qua mọi thế hệ.

     2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tài – đức của người thầy vào công tác giảng dạy ở trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng

                “Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”[12]. Với chức năng đặc thù đó, yêu cầu về tài – đức của người thầy ở trường chính trị được đặt ra ở mức độ cao, đòi hỏi đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ phải không ngừng trau dồi đạo đức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, hoàn thành trọng trách Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong những năm qua, Ban lãnh đạo Trường Chính trị Lâm Đồng đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của Nhà trường, chủ yếu thông qua việc tạo điều kiện, khuyến khích giảng viên tham gia các lớp cao cấp, trung cấp lí luận chính trị - hành chính, các lớp bồi dưỡng kiến thức, cao học… Điển hình như năm 2020, nhà trường đã cử 02 đồng chí học lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 2; 04 đồng chí học lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở; 02 đồng chí học cao học; 02 đồng chí học Cao cấp lí luận chính trị, 01 đồng chí tham gia học lớp Đại học văn bằng 2, 04 đồng chí học lớp Trung cấp lí luận chính trị - hành chính, 06 đồng chí tham gia học lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; 02 đồng chí tham gia học lớp chuyên viên… Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ giảng viên của Nhà trường không ngừng được nâng cao, hầu hết cán bộ giảng viên đều yêu nghề, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm khá vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trường Chính trị Lâm Đồng đang diễn ra quá trình chuyển giao giữa thế hệ giảng viên đến tuổi nghỉ hưu và giảng viên trẻ, mới. Do vậy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên trẻ, mới trở thành yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự nổ lực, phấn đấu rất lớn từ bản thân giảng viên.

Để vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về tài – đức của người thầy vào công tác giảng dạy, duy trì và nâng cao hơn nữa phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở Trường Chính trị Lâm Đồng - một môi trường đào tạo, bồi dưỡng có tính đặc thù, người giảng viên, nhất là giảng viên trẻ cần phải:

          Thứ nhất, kết hợp nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ rèn đức – luyện tài, lấy đạo đức làm nền tảng để phát triển năng lực chuyên môn, lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời.

          Thứ hai, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực sự là những người tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Đây là yêu cầu hàng đầu đối với giảng viên trường chính trị do đặc thù về đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin. Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình[13]. Rõ ràng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vũ khí sắc bén để bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng; hiến pháp, pháp luật Nhà nước và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Học tập, nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy ở trường chính trị là nhiệm vụ trọng yếu và là nền tảng đạo đức cách mạng của giảng viên.

          Thứ ba, có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tâm huyết và có trách nhiệm với công việc, “thật thà yêu nghề”; có tinh thần đoàn kết, “đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng[14]; có chí khí cao thượng, “tiên ưu hậu lạc”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bởi “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...[15]; có ý thức tổ chức kỉ luật tốt, chống chủ nghĩa tự do; có phong cách làm việc khoa học, chống lề mề, luộm thuộm; phát huy dân chủ, bởi “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu””[16]. Đó là những phẩm chất đạo đức chủ yếu mà người thầy nói chung và giảng viên trường chính trị nói riêng cần phải tu dưỡng, rèn luyện để trở thành một người thầy tốt, một công dân có ích cho xã hội.

          Thứ tư, không ngừng học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung kiến thức giảng dạy ở trường chính trị có tính lí luận cao, tính thực tiễn phong phú, tính mới liên tục… đòi hỏi giảng viên phải bồi dưỡng tư duy lí luận, gắn lí luận với thực tiễn và thường xuyên cập nhật những tri thức mới, khoa học. Bên cạnh yêu cầu kiến thức chuyên môn vững, sâu rộng, giảng viên cần phải chú trọng đến phương pháp giảng dạy, tìm kiếm, sáng tạo những cách truyền đạt hay, hiệu quả, đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ biện chứng giữa lí luận và thực tiễn, điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trong cách thức dạy - học và cũng là yêu cầu cần thiết đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trường chính trị. Để sự liên hệ có hiệu quả, giảng viên cần tạo ra môi trường học tập theo hướng mở, tương tác hai chiều. Một mặt, giảng viên vận dụng sự am hiểu thực tiễn của mình để làm ví dụ minh chứng cho lí luận; mặt khác, giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên để họ nêu và phân tích tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận. Đây là phương pháp quan trọng để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện những bài giảng có nội dung kiến thức chuẩn xác, phong phú, thuyết phục, thu hút sự chú ý và sự chủ động tham gia trao đổi thông tin của học viên, tạo nên những tiết học sinh động và hiệu quả. Thực tiễn giảng dạy ở trường chính trị Lâm Đồng cho thấy, các giảng viên, nhất là giảng viên có nhiều kinh nghiệm đã thực hiện rất tốt phương pháp dạy học này, là cơ sở để các giảng viên trẻ học tập và vận dụng vào công tác giảng dạy.

          Thứ năm, tích cực, chủ động và say mê nghiên cứu khoa học. Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng yếu và là tiêu chí để đánh giá năng lực chuyên môn của giảng viên. Một giảng viên giỏi không chỉ dạy tốt mà cần phải có khả năng nghiên cứu khoa học. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta[17]. Chính vì vậy, có thể thấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết mở, là nguồn tri thức khoa học phong phú mà những người làm công tác nghiên cứu lí luận nói chung và giảng viên trường chính trị nói riêng cần tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và tổng kết thực tiễn... Bên cạnh đó, giảng viên có thể nghiên cứu ở góc độ khoa học ứng dụng, tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường. Hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với khả năng giảng dạy chính là thước đo trình độ, năng lực của giảng viên.

      Trong lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương[18], chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[19]. Tuy lời ghi ngắn gọn, súc tích nhưng chứa đựng mục đích, yêu cầu của công tác giảng dạy và học tập ở trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương nói riêng và hệ thống các trường chính trị nói chung. Việc vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về tài – đức của người thầy vào công tác giảng dạy ở trường chính trị Lâm Đồng sẽ tạo ra một đội ngũ giảng viên vừa có đức, vừa có tài; vừa hồng, vừa chuyên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, đáp ứng mục đích, yêu cầu và cũng là triết lí giáo dục cao đẹp mà chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã kì vọng.

 

ThS. Trương Thị Thu Thảo

Khoa Xây dựng Đảng

 

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 10, tr.345.

[2],3 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.266, tr.270.

 

[4],5,6 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.269.

 

 

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, tr.400.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9 - tr.266, tập 14 - tr.402,403.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr.612.

[10],11 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.270, tr.266

ti

[12] Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ban bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

[13],15 Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr.610-611.

[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, tr.402.

 

[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, tr.266.

[17] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr.611.

[18] Nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

[19] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr.208.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001279249
Đang truy cập : 6