NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ THỜI HIỆU, THỜI HẠN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC NĂM 2019
Quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức là nội dung quan trọng của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. Những quy định này giúp cho việc xem xét trách nhiệm, xử lý hành vi vi phạm kỷ luật được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, tránh việc trì hoãn, kéo dài, dẫn đến xử lý không còn kịp thời, hiệu quả. Để điều chỉnh những quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tiễn và đảm bảo hiệu quả quản lý công vụ, năm 2019 Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo đó, quy định tại Điều 80 (luật cũ) về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1, quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức tại Điều 53 (luật cũ) được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 2. Bài viết này sẽ phân tích những điểm mới được quy định tại 2 điều khoản trên.
Thứ nhất, về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Một là, phân định thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm kỷ luật
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 không quy định cố định về khoảng thời gian này mà có sự phân định về thời hiệu phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm kỷ luật. Đối với những hành vi vi phạm có mức độ nguy hiểm hơn thì thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ kéo dài hơn. Cụ thể thời hiệu xử lý kỷ luật là: 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định như trên (bao gồm các hình thức kỷ luật như: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc – đối với công chức; cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc – đối với viên chức). Như vậy, đối với hành vi vi phạm có mức độ nguy hiểm lớn hơn, thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ kéo dài hơn, không “cào bằng” như trước đây. Quy định như trên là hợp lý, bởi lẽ bản chất của các “hành vi vi phạm pháp luật có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì sẽ có thời hiệu dài, ngắn khác nhau”. Ngoài ra, trên thực tế còn có trường hợp tuy đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo), nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu. Điều đó làm bỏ lọt rất nhiều hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức mặc dù đã được phát hiện nhưng không thể xử lý kỷ luật vì không còn thời hiệu. Việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với các hành vi có mức độ nghiêm trọng không những giúp nới rộng thời gian xem xét, xử lý hành vi vi phạm, bảo đảm loại trừ việc bỏ lọt những hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức mà còn bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi có thể diễn ra trong tương lai, góp phần làm tăng tính hiệu quả của việc xử lý kỷ luật cũng như loại trừ sự lệch lạc, không phù hợp, thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước đạt hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật
Theo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, có 4 trường hợp sau đây sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
“a) Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp”.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010, gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức với vai trò gương mẫu, chuẩn mực của người đảng viên. Có thể thấy những trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đều là những hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm đối với thể chế công vụ. Quy định trên cũng rất phù hợp với quy định của pháp luật hình sự bởi lẽ đối với các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng, luật Hình sự cũng không quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tất cả các hành vi vi phạm đều có chung một thời hiệu xử lý thì nó sẽ dẫn đến việc những hành vi có tính chất nguy hiểm lớn hơn không thể xử lý kỷ luật vì thời hiệu không còn. Quy định trên giúp đảm bảo khi bất kỳ hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nào xảy ra trên thực tế ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều được xử lý mà không giới hạn thời gian. Từ đó cũng sẽ giúp việc xử lý kỷ luật đạt hiệu quả, không bỏ lọt người vi phạm. Quy định trên cũng đã thể chế hoá chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khoá XII về “xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu” và phù hợp với quy định về xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm tại khoản 2 Điều 3 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị, đó là: “Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp”.
Thứ hai, về thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Một là, gia tăng thời hạn xử lý kỷ luật
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp, cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 04 tháng. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng dựa vào tính chất, mức độ phức tạp của hành vi, vụ việc để xác định thời hạn xử lý nhưng kéo dài hơn so với trước. Cụ thể:
“Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày”.
Có thể thấy, thời hạn để chủ thể có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức kể từ khi phát hiện hành vi theo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã tăng lên thêm 30 ngày so với quy định trước đây. Điều này giúp cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có thêm thời gian để thu thập tài liệu, chứng cứ; thực hiện đúng quy trình, thủ tục góp phần đưa ra quyết định xử lý kỷ luật công minh, khách quan và toàn diện nhất, bảo đảm giá trị pháp lý và tính thuyết phục của quyết định xử lý kỷ luật cũng như tăng tính hiệu quả của hoạt động xử lý kỷ luật công vụ.
Hai là, quy định về thời gian không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đề cập thêm về thời gian không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức gồm: thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự. Quy định trên là hoàn toàn phù hợp, bởi vì trong quá trình cán bộ, công chức, viên chức đang bị điều tra, truy tố, xét xử rất khó để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Trong một số trường hợp, chủ thể có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải đợi kết luận của cơ quan tố tụng hoặc các giấy tờ, tài liệu phục vụ việc xử lý kỷ luật đang được các cơ quan tố tụng lưu giữ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thời gian để cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử có thể kéo dài vượt qua thời hạn xử lý kỷ luật, nếu không trừ ra các khoảng thời gian này thì sẽ dẫn đến việc thời hạn xử lý kỷ luật hết và không bảo đảm được công tác xử lý kỷ luật.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã có nhiều điểm mới tiến bộ và phù hợp với thực tiễn. Những thay đổi đáng kể về thời hiệu, thời hạn xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại những ý nghĩa nhất định không chỉ đối với Nhà nước, xã hội mà còn đến chính bản thân người cán bộ, công chức, viên chức. Điều này nhằm tạo dựng niềm tin trong xã hội khi mà các hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ luôn được xử lý một cách kịp thời, góp phần làm tăng tính hiệu quả của việc xử lý kỷ luật cũng như loại trừ sự lệch lạc, không phù hợp, góp phần bảo đảm giá trị thi hành của pháp luật trong việc xem xét, xử lý kỷ luật. Qua đó, thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước đạt được hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng.
Nguyễn Thị Khánh Linh
Khoa Nhà nước và pháp luật