Thứ ba, 03/12/2024

CHÀO MỪNG FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT LẦN THỨ X NĂM 2024         HOA ĐÀ LẠT - BẢN GIAO HƯỞNG SẮC MÀU

Thứ ba, 17 Tháng 8 2021 08:00

BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

Với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số) và khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày, thì việc ban hành và áp dụng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và truyền thông là việc làm hết sức cần thiết nhằm hướng đến xây dựng được chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, cũng như giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hiện nay.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Trong đó có khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày (theo baochinhphu.vn ngày 16/12/2020), nhiều nhất là nhóm lứa tuổi từ 15 - 40 tuổi và chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động. Mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khó có thể phủ nhận những vai trò to lớn do mạng xã hội mang lại như giúp kết nối cộng đồng, thay đổi phương thức quản trị và điều hành quốc gia, doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho hội nhập quốc tế về kinh tế và văn hóa ... Song bên cạnh đó cũng tồn tại không ít những mặt tiêu cực đến từ mạng xã hội mà phần lớn do những hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội góp phần tạo ra.

Tính đến nay, đã có nhiều quy định có liên quan đến chuẩn mực sử dụng mạng xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước như: Tại khoản 2 Điều 8 của Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày  26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương nêu rõ: “Trong giao tiếp tại công sở và với công dân, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, hoà nhã, văn minh. Khi giao dịch trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng...) phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời”. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ khi đề cập đến Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức đã ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”, và các Quyết định Ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của các cấp bộ, ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa vấn đề này.

Tuy nhiên, thực tế trên mạng xã hội vẫn còn xảy ra những hành vi phản cảm như phát tán các clip vô bổ, đánh chửi nhau, những hình ảnh tai nạn gây ám ảnh người xem. Một bộ phận lên mạng viết status, bình luận vô trách nhiệm mang tính cáo buộc, xúc phạm cá nhân và các tổ chức. Hay không khó bắt gặp những danh xưng giang hồ mạng, thánh chửi trên mạng xã hội. Và gần đây, khi livestream trở nên phổ biến thì đã xuất hiện nhiều hiện tượng livestream bán hàng với những thông tin sai lệch về sản phẩm, nhiều youtuber sẵn sàng livestream từ các hiện trường án mạng, tai nạn thảm khốc hay thậm chí cả chi tiết đám tang của những người nổi tiếng nhằm câu live, câu view một cách phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, không ít các trường hợp đưa tin bịa đặt, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hay vô tình nhấp like, share vào những đường link, trang web độc hại, những bài viết xuyên tạc bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước, xuyên tạc bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyện vọng chính đáng của nhân dân từ các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị có âm mưu lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc nhằm chống phá Việt Nam.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc gồm 9 điều, nhằm mục đích: “Tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam”. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước được xem như là thành phần đi đầu trong việc nêu gương ứng xử trên mạng xã hội. Cụ thể, Bộ quy tắc quy định những điều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước cần làm khi tham gia dùng mạng xã hội bao gồm:

1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.

2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.

5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Để bộ quy tắc không chỉ dừng lại ở tính hướng dẫn, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh các hành vi vi phạm pháp luật, mà phải thật sự giúp thay đổi thói quen sử dụng, hành xử của mọi người trên mạng xã hội ngày càng có văn hóa, văn minh và chuẩn mực, có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Để phát huy hiệu quả và đưa Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đi vào cuộc sống, đối với các cấp bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa thành văn bản quy định thực hiện Bộ quy tắc này, thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chúng ta ngoài việc thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc cần phải:

- Phải thực sự có trách nhiệm mỗi khi nhấp chuột để đăng bài, status, bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh ... lên mạng xã hội, tránh vô tình vi phạm các vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng, lộ thông tin, bí mật của quốc gia và tổ chức. Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước.

- Cần thay đổi thói quen chỉ đọc tiêu đề bài đăng trên mạng mà không đọc và kiểm chứng hết toàn bộ nội dung bài đăng đã nhanh tay chia sẻ, nhấn like và bình luận. Khi thực hiện livestream phải chú ý kiểm tra tất cả các yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của cộng đồng như: ngôn từ, hình ảnh cá nhân và tổ chức, chất lượng sản phẩm ...

-  Phải cân nhắc kỹ trước khi phát ngôn trên mạng, tránh dùng ngôn từ vô văn hóa, xúc phạm, thóa mạ, thiếu chuẩn mực dù ở trạng thái riêng tư hay công khai. Vì tất cả những hoạt động của chúng ta trên mạng xã hội (ảo) đều sẽ thể hiện bản chất con người chúng ta ở xã hội (thật). Do đó, mỗi ngôn từ của chúng ta trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến sự đánh giá về chúng ta từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân, con cái ...

- Phải thể hiện được bản lĩnh chính trị, bản sắc tinh hoa của truyền thống Việt Nam trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi sử dụng mạng xã hội. Thể hiện qua việc tiếp thu thông tin có chọn lọc, có kiểm chứng. Khi cần sử dụng thông tin cho công việc, phải truy cập và thu thập thông tin từ các trang web chính thống, trang web của các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, chia sẻ thông tin với mục đích lan tỏa những việc làm hay, những tấm gương tốt, làm giàu thêm kho tàng tri thức của xã hội cũng như góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.

- Tích cực tuyên truyền, phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại cơ quan đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông báo trên bảng tin, lồng ghép vào nội dung các cuộc họp, nghị quyết chuyên đề, bài giảng trong các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng năm (ví dụ như chuyên đề Kỹ năng giao tiếp hành chính, Kỹ năng giao tiếp, ứng xử và quan hệ với truyền thông ...).

- Nói không với “rác” mạng, không cổ xúy các hành vi trái với Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tiếp nhận có chọn lọc các sản phẩm văn hóa có chất lượng trên mạng xã hội phù hợp với văn hóa con người Việt Nam. Kiểm soát và định hướng được hành vi ứng xử văn minh của bản thân và người trong gia đình (anh chị em, con cái ...) khi dùng mạng xã hội: facebook, blog, zalo, instagram, tiktok ... vào mục đích cá nhân hay kinh doanh.

Việc ban hành kịp thời Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và truyền thông, cùng với sự chung tay của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước chắc chắn sẽ giúp thay đổi thật sự hành vi và cách thức ứng xử trên mạng xã hội, tạo ra một môi trường văn hóa mạng lành mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của mỗi chúng ta khi sử dụng mạng xã hội, hướng đến hỗ trợ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.

Th.S Đoàn Quang Duy Tuấn

Khoa Lý luận cơ sở

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001284950
Đang truy cập : 2