NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC TỪ NĂM 1911 ĐẾN NĂM 1930 (5/6/1911- 5/6/2021)
NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
TỪ NĂM 1911 ĐẾN NĂM 1930 (5/6/1911- 5/6/2021)
ThS. Chu Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng
Vào những năm đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu làm nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đã đi tìm đường cứu nước với nhiều con đường khác nhau, nhưng kết quả đều bị thất bại. Sống trong bối cảnh đó, các thế hệ người dân Việt Nam và người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm thấu hiểu tình cảnh nước mất, nhà tan và đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì vậy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước theo con đường mới để cứu nước, cứu dân của riêng mình. Nhìn lại hành trình tìm đường cứu nước của Người qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trong khoảng thời gian từ 1911 đến 1930, chúng ta lại càng cảm phục tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất và đặc biệt là tư duy sáng tạo của Bác trong hành trình tìm đường cứu nước.
Vào ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xin làm việc phụ bếp trên tàu đô đốc LatusơTơrévin, rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Đây là cột mốc quan trọng mang tính chất quyết định trên con đường cách mạng giải phỏng dân tộc của Bác. Đến ngày 6/7/1911, Nguyễn Tất Thành đến cảng Mácxây, thấy nhiều phụ nữ nghèo khổ, Nguyễn Tất Thành nói với người bạn: “Tại sao người Pháp không “khai hóa" đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa" chúng ta? ”. Làm thuê trên chiếc tàu đi vòng quanh Châu Phi, tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, chết chóc của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân, Nguyễn Tất Thành nghĩ: Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.
Năm 1912, Người tiếp tục đi một số nước ở Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ. Đến giữa tháng 12/1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776. Khi thăm pho tượng Thần Tự do, Nguyễn Tất Thành không để ý đến ánh hào quang quanh trên đầu tượng mà xúc động trước cảnh những người nô lệ da đen dưới chân tượng.
Năm 1917, Người trở lại Pháp. Tại đây, Người tích cực hoạt động tố cáo thực dân Pháp và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam, tham gia vào phong trào công nhân Pháp. Khi sự kiện chính trị lớn nhất của thế kỷ XX, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản đó là thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga; Nguyễn Ái Quốc rất ngưỡng mộ, kính phục Lênin và tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng; Người đã tham gia nhiều cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quá cách mạng.
Ngày 18/6/1919, các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Vécxai (Verseille) để chia nhau thị trường thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị này Bản yêu sách gồm 8 điểm đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương đã có ảnh hưởng quyết định đến lập trường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đã giải đáp những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ ba khác hẳn với những lời tuyên bố suông của Quốc tế thứ hai, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tán thành Quốc tế thứ ba, đặt cách mạng giải phỏng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản.
Tháng 12/1920, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc tở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động của mình từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo cách mạng vô sản, đánh dấu bước mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số chiến sỹ cách mạng ở nhiều nước thuộc địa Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc. Tuyên ngôn của Hội do Người khởi thảo đã nêu bật tư tưởng tự lực, tự cường: “Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” [1, tr.138].
Năm 1922, báo Người Cùng Khổ (Le Paria) do Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đã cất lên tiếng nói đầu tiên vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và của đế quốc Pháp ở Đông Dương nói riêng; thức tỉnh các dân tộc bị áp bức mà trước hết là thanh niên tiểu tư sản, trí thức yêu nước hăng hái đứng lên đấu tranh để tự giải phóng
Tháng 6/1923, Người đi Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân, sau đó làm việc ở Quốc tế cộng sản. Người viết nhiều cho báo Sự Thật (Paravda) và Tạp chí Thư tín quốc tế.
Năm 1924, Người dự và đọc tham luận tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) làm nhiệm vụ đặc phái viên của Quốc tế cộng sản và tuyên truyền, giáo dục lí luận, xây dựng tổ chức chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người cùng với một số nhà cách mạng lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, do ông Liêu Trong Khái (Trung Quốc) làm Hội trưởng và Người làm Bí thư.
Tháng 6/1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa, chuẩn bị thành lập Đảng. Người mở những lớp huấn luyện cán bộ và ra tờ báo Thanh niên. Phần lớn những thanh niên đã được huấn luyện trở về nước hoạt động và số còn lại sang Liên Xô tiếp tục học tập. Hội đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vào công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân.
Ngày 9/7/1925, Người và một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành một Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người soạn thảo Chính cương văn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Trong hành trình gian truân và vất vả qua 30 năm đi tìm đường cứu nước, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tìm ra sự thật của các từ “Tự do, bình đẳng, bác ái” ở phương trời Tây. Những năm tháng sống và hoạt động của Người ở nước ngoài từ 1911 đến 1930 là một trong những giai đoạn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chặng đường tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc, mở ra con đường đề Bác thực hiện ước muốn và nguyện vọng của cuộc đời mình là giành độc lập dân tộc.
Kỷ niệm 111 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (5/6/1911 - 5/6/2022), người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; tự hào về Đảng, về Bác Hồ, chúng ta cũng thấy rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; cùng nhân dân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu đân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
* Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. Hồ Chí Minh (1993), Về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]. Mai Văn Bộ (1998), Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb.trẻ, Hà Nội
[4]. Trần Dân Tiên (1975), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, Hà Nội.