NHẬN DIỆN MỘT SỐ ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG VIỆC LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA
NHẬN DIỆN MỘT SỐ ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC
THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG VIỆC LỢI DỤNG TÔN GIÁO
ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA.
* Cấn Hoàng Vân Hương
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trong bất cứ thời kỳ nào, tôn giáo luôn là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của xã hội. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, chúng chưa bao giờ từ bỏ việc lấy tôn giáo để tác động lên đời sống chính trị - xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo; trong đó có các tôn giáo mang tính chất quốc tế. Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách tôn giáo mà tình hình tôn giáo ở nước ta ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nhiều phong trào tôn giáo mới được du nhập vào Việt Nam; các thế lực thù địch vẫn không ngừng sử dụng các chiêu trò để công kích, chống phá Đảng và nhà nước ta; vấn đề tôn giáo trở nên ngày càng phức tạp không chỉ trong nước mà cỏn ở các nước trong khu vực. Dự báo bối cảnh quốc tế và khu vực, Đảng ta chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo... là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia”.
Liên quan đến vấn đề tôn giáo, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết phải nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng tôn giáo và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn đó.
Có thể nhận diện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng tôn giáo thông qua một số thủ đoạn sau:
Một là, chúng đi sâu vào phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo được xây dựng trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để nhận thức một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về những đặc điểm lịch sử, văn hóa Việt Nam - một đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo; các tôn giáo tồn tại đan xen, hòa đồng, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc nhưng cũng thường xuyên bị các thế lực ngoại xâm, phản động lợi dụng vào mục đích duy trì ách thống trị, bóc lột của chúng. Kế thừa Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán trong quản lý nhà nước về tôn giáo là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng và đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, các thành phần cực đoan hiện nay thường xuyên xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chúng đưa ra luận điệu rằng việc Nhà nước đưa ra Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cùng các chính sách tôn giáo chính là hình thức đàn áp tôn giáo, kìm hãm sự tự do của tôn giáo bằng Pháp luật. Chúng lợi dụng thuật ngữ “tự do tôn giáo” làm ngòi nổ, bàn đạp để chống lại Đảng và Nhà nước ta, nhằm tách rời tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện âm mưu của mình, các thế lực thù địch hỗ trợ các linh mục mang tư tưởng cực đoan phát hành bài viết, ấn phẩm, tài liệu đi ngược với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc ta.
Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều phong trào tôn giáo mới, trong đó có các loại “tà đạo”. Chúng lợi dụng điều đó để hỗ trợ, khích lệ các hoạt động truyền đạo trái phép gây mất trật tự chính trị - xã hội, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Hai là, chúng kích động mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, giữa người có đạo với người không có đạo, giữa các tôn giáo với nhau nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa, tăng cường tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời lợi dụng những tồn tại trong quản lý của chính quyền địa phương để thổi phồng, dẫn dắt dư luận nhằm lôi kéo và tập hợp quần chúng chống phá Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chẳng hạn như việc chúng cố tình xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý suy bì, cho rằng Nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo nhằm gây ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với Nhà nước và giữa các tôn giáo với nhau.
Một số tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để lôi kéo người dân tham gia các loại “tà đạo”, lấy niềm tin của nhân dân. Chúng kích động tư tưởng nhân dân, gây xung đột, tư tưởng đối lập giữa đạo và đời sống thực tế, làm cho người sùng đạo và tin tưởng tuyệt đối vào thần linh, chúa trời,… Qua đó, làm cho nhân dân mất niềm tin vào thực tế, kích động nhân dân đòi tự do tôn giáo một cách cực đoan, hình thành nên một lực lượng ngầm chống phá Đảng và Nhà nước.
Đan xen vào đó là những tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan nhằm chia rẽ dân tộc. Chúng lợi dụng tôn giáo và những giá trị tốt đẹp của tôn giáo để đòi tự do, đòi thành lập “vương quốc tự trị”; chúng đưa ra những luận điệu, lý lẽ cho rằng Đảng và Nhà nước “phân biệt đối xử” với những người có đạo, ưu tiên cho những người không theo đạo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thời gian qua, những tư tưởng mang tính kích động, chia rẽ tôn giáo và dân tộc cũng phần nào tác động đến một số hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo như: tranh chấp, khiếu kiện, mua bán, lấn chiếm, chuyển nhượng, hiến tặng đất đai trái pháp luật, xây dựng cơ sở sinh hoạt, thờ tự trái quy định liên quan đến tôn giáo, vi phạm quy định về thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo; việc thành lập các cơ sở tôn giáo trực thuộc chưa được sự chấp thuận của chính quyền,…
Ba là, chúng thành lập các tổ chức mang danh tôn giáo, lợi dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước.
Đảng ta chủ trương thực hiện các chính sách tự do tôn giáo, tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, lợi dụng quyền tự do tôn giáo, thời gian qua ở nước ta xuất hiện một số tổ chức tôn giáo trái pháp luật, hay còn gọi là các tổ chức “tà đạo”. Dưới danh nghĩa là các tổ chức tôn giáo, chúng lôi kéo người dân tham gia vào hội, nhóm và tổ chức các buổi sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền giáo lý, giáo luật của mình. Nhưng thực chất, chúng lợi dụng việc truyền đạo để lồng ghép các nội dung xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, tuyên truyền mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, sức khỏe của người dân. Bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý người dân, các nội dung tuyên truyền đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội; thậm chí nguy hiểm hơn là có một bộ phận người dân còn nghe theo, làm theo sự điều khiển của các thế lực thù địch, tổ chức các buổi mít-tinh, biểu tình trái pháp luật xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đáng chú ý hiện nay, có thể kể đến một số tổ chức tà đạo như: “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “Hà Mòn”, “Hoàng Thiên Long”…
Các loại tà đạo nói trên đa số xuất hiện và hoạt động ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có hoàn cảnh khó khăn. Lợi dụng việc người dân gặp những khó khăn trong cuộc sống và trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chúng dễ dàng đưa các lý lẽ của mình để thuyết phục người dân tin theo. Bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, thông tin được kết nối và chia sẻ dễ dàng, chúng còn lôi kéo được cả một bộ phận là những người trí thức, cán bộ, hay giáo sư, tiến sỹ đã nghỉ hưu thông qua các hoạt động nhân đạo trá hình vì sức khỏe, vì môi trường,… Những người này ban đầu chỉ tham gia vì những điều hay, điều tốt nhưng lâu dần sẽ có khả năng bị lôi kéo mà tin theo các phần tử cực đoan.
Bốn là, chúng lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động thương mại hóa, trục lợi về mặt kinh tế.
Bản chất của tôn giáo là dạy con người hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo dựa trên việc truyền niềm tin cho họ. Tuy nhiên, khi niềm tin quá xa rời thực tế thì dễ chuyển thành mê tín dị đoan. Lợi dụng yếu tố này, nhiều tổ chức tôn giáo sinh ra với mục đích thương mại hóa tôn giáo nhằm trục lợi về mặt kinh tế. Chẳng hạn như: hiện tượng bán vé vào chùa, nhà chùa từ chối giải hạn cho người nghèo, sử dụng tiền đóng góp của phật tử hay các tín đồ để phục vụ cho lợi ích cá nhân,… Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tôn giáo của Nhà nước. Đây cũng là một trong những yếu tố để nhận diện thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hiện nay.
Tóm lại, tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm và được xem như là “ngòi nổ” của các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Các thế lực thù địch ngày nay lợi dụng tôn giáo với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó lường, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, mang cả yếu tố quốc tế, tác động lên mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, giáo dục cho đến lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng. Vì vậy, những âm mưu, thủ đoạn này ngày càng khó phát hiện và nhận diện, đòi hỏi sự cảnh giác, tính chủ động cao của Đảng và Nhà nước ta; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc nhằm đập tan mọi âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta.