Thứ năm, 21/11/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2024)

Thứ ba, 21 Tháng 2 2023 10:56

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LÂM ĐỒNG HIỆN NAY

ThS. Nguyễn Thị Thành Minh

Khoa Nhà nước và pháp luật

 

Nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ thường xuyên của giảng viên trường Chính trị, muốn dạy tốt, trước hết phải nghiên cứu tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Lý luận với thực tiễn có mối liên hệ khăng khít với nhau không thể tách rời, tác động lẫn nhau, chuyển hóa cho nhau. Nghiên cứu thực tế của giảng viên là việc tìm hiểu, khảo sát, điều tra thực tế những biểu hiện, ảnh hưởng, tác động của lý luận vào đời sống kinh tế - xã hội, từ đó, hiểu sâu sắc hơn kết quả chính xác và góp phần trở lại bổ sung, phát triển lý luận. Nghiên cứu thực tế không chỉ giúp người giảng viên nâng cao trình độ hiểu biết, nắm bắt thực tiễn mà còn là điều kiện đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy, tránh được “lý luận suông” về thực tiễn “mù quáng”.

1. Một số đánh giá về kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên ở trường thời gian qua

Việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Thông qua hoạt động thực tiễn, các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của đảng về chính sách, pháp luật của Nhà nước... được truyền tải đến giảng viên một cách nhanh chóng, chính xác và sáng tạo, góp phần gắn giữa lý luận và thực tiễn.

Việc đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở giúp cho giảng viên nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tế. Đây là nguồn tư liệu quý làm bài giảng sinh động, cụ thể, đến sát thực tiễn, khắc phục được tình trạng “lý luận suông”, đồng thời, phát hiện những thiếu sót, bất cập trong các chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước để có kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, thông qua nghiên cứu thực tế, góp phần giúp cho giảng viên bổ sung kiến thức thực tiễn, phân tích, lý giải thực tiễn, làm cho bài giảng luôn sinh động, lôi cuốn học viên và có tính thuyết phục cao; giảng viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức thực tế, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, trong đó thiết thực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và rèn luyện bản lĩnh khi lên lớp.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên vẫn còn những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, trách nhiệm của một bộ phận giảng viên đối với hoạt động nghiên cứu thực tế chưa cao. Một số giảng viên còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế. Hoạt động nghiên cứu thực tế hằng năm chưa được triển khai nghiêm túc từ công tác xây dựng kế hoạch đến đi nghiên cứu thực tế, đến công tác kiểm tra, giám sát đi nghiên cứu tại địa phương, công tác đôn đốc viết và nộp báo cáo đúng thời hạn quy định. Đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở thường chọn nơi quen biết, dễ đi, dễ đến, về địa phương nghe báo cáo (hoặc xin báo cáo).

Thứ hai, chất lượng các báo cáo thực tế của giảng viên còn hạn chế về nội dung đánh giá. Vẫn còn có những báo cáo chưa đúng về thể thức, chưa xác định mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu, nhiều báo cáo nghiên cứu thực tế còn viết qua loa, chưa đầu tư về thời gian và tâm huyết nghiên cứu, còn mang tính đối phó. Đa số các giải pháp, kiến nghị của các báo cáo nghiên cứu thực tế còn chung chung, thiếu sáng tạo, tính khả thi trong ứng dụng và tính khoa học chưa cao. Vì vậy, kiến thức giảng viên lĩnh hội trong nghiên cứu thực tế cũng như chất lượng của báo cáo thực tế chưa có giá trị khoa học và ứng dụng cao trong thực tiễn.

Thứ ba, công tác ứng dụng kết quả sau nghiên cứu thực tế của giảng viên chưa cao. Chưa có sự kiểm tra, giám sát việc đưa sản phẩm của nghiên cứu thực tế vào trong bài giảng của giảng viên. Sản phẩm của nghiên cứu thực tế của giảng viên không có giá trị khoa học cao, nên hạn chế trong việc ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt là bài viết trong Thông tin Lý luận và thực tiễn của nhà trường.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế

Để nâng cao chất hơn nữa chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, đối với giảng viên.

Giảng viên phải nâng cao hơn nữa nhận thức về hoạt động nghiên cứu thực tế, phải coi nghiên cứu thực tế ở địa phương, cơ sở là yêu cầu tự thân, đòi hỏi bắt buộc. Nhận thức đúng sẽ hành động đúng làm cho chất lượng nghiên cứu thực tế, chất lượng giảng dạy sẽ được nâng lên. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm của giảng viên là phải thực hiện và thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu thực tế. Qua nghiên cứu thực tế, giảng viên nắm bắt đầy đủ thông tin về đời sống kinh tế - xã hội liên quan đến sự phát triển của địa phương, của đất nước, lý giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở cơ sở…

Kinh nghiệm sống và thực tiễn phong phú của giảng viên là tấm gương sinh động nhất thu hút sự quan tâm của học viên, bởi lẽ thông qua thực tiễn các phong trào, các hoạt động ở các địa phương, cơ sở mà bản thân giảng viên được tai nghe, mắt thấy hoặc trực tiếp tham gia hoạt động sẽ là những nội dung làm cho bài giảng gần gũi, phong phú, sáng tỏ, tiết học thêm sôi nổi. Vì vậy, mỗi giảng viên tự nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở, đây là vấn đề quan trọng, bởi thực tiễn luôn vận động biến đổi. Người giảng viên phải nắm bắt, cập nhật tình hình về những thông tin kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, đất nước. Qua đó sẽ giúp giảng viên có thêm lối kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng bài giảng. Khi nhận thức của giảng viên về vai trò của hoạt động nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở được nâng cao thì tránh tình trạng hình thức, đối phó, làm báo cáo qua loa.

Hai là, đối với các khoa.

Các khoa là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Do đó, để hoạt động nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả, cần bám sát quy chế, hướng dẫn của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kế hoạch của Nhà trường, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai đến giảng viên trong khoa. Bên cạnh đó, các khoa cần tăng cường tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế về cơ sở, mỗi chuyến đi đến xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể gắn với vấn đề lý luận thuộc phần học của khoa. Đồng thời, một mặt lãnh đạo khoa cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, nắm bắt tình hình, kịp thời khuyến khích, hỗ trợ giảng viên trong quá trình nghiên cứu thực tế; mặt khác, khoa yêu cầu mỗi đảng viên phải chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động nghiên cứu của cá nhân, báo cáo thường xuyên những vấn đề có liên quan đến hoạt động nghiên cứu thực tế.

Ba là, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các địa phương, cơ sở đi nghiên cứu thực tế.

Sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng, nếu không có sự hỗ trợ thì khó có thể thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên. Do đó, trước khi đến các địa phương, khoa, giảng viên xin ý kiến Ban giám hiệu để được tạo mọi điều kiện tốt về chính sách và thực hiện tốt công tác liên hệ, trao đổi trước nội dung cần nghiên cứu với địa phương, cơ sở, để địa phương, cơ sở có thể chuẩn bị tốt hơn về chương trình, báo cáo với đoàn nghiên cứu thực tế.

Tóm lại, nghiên thực tế là một việc làm rất cần thiết đối với đội ngũ giảng viên, những kiến thức từ việc nghiên cứu thực tế sẽ giúp giảng viên tự tin và chủ động hơn trong nghiên cứu, giảng dạy, giúp cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học trở nên thiết thực, hiệu quả hơn, tránh tình trạng giáo điều, “kinh viện”, đảm bảo thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải liên tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu thực tế đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa ngày càng cao đối với đội ngũ giảng viên ở trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001279047
Đang truy cập : 12