PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN TRONG THỰC HIỆN KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC
Nguyễn Thị Khánh Linh – Bí thư Đoàn trường
“Sau 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã làm được mà nhất định phải giàu mạnh, hùng cường để sánh vai với các cường quốc năm châu. “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một điểm mới đặc biệt tại Đại hội XIII của Đảng. Để thực hiện khát vọng đó, trước hết phải phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, trong đó có thanh niên. Vậy với vai trò là “cánh tay phải đắc lực của Đảng”, cần phải làm gì để phát huy vai trò của thanh niên Việt Nam trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc?
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng cơ bản và có mặt ở trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Thanh niên Việt Nam có mặt trong tất cả 54 dân tộc anh em và trong các tôn giáo. Với số lượng đông đảo và là lực lượng hiện diện trong tất cả các lĩnh vực, các dân tộc, các tôn giáo, rõ ràng thanh niên Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thời gian qua, nhiều thế hệ thanh niên đã được rèn luyện và trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nhìn chung, thanh niên Việt Nam đều có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo. Thanh niên đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình; ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học - công nghệ, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, đánh giá hoạt động của Đoàn Thanh niên trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng Bí thư nêu rõ, thanh niên đã và đang có mặt mạnh, phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biểu hiện rõ nét nhất là hình ảnh thanh niên tham gia rất tích cực, có hiệu quả trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ… vừa qua.
Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên một bộ phận thanh niên Việt Nam cũng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời. Những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào các tệ nạn xã hội… Đây là những biểu hiện không thể coi thường, là những thách thức rất lớn, làm cản trở thanh niên phát triển bản thân, phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc”. Do đó, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau để phát huy vai trò của thanh niên nhằm góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên
Khi nhìn nhận thanh niên, phải khẳng định những mặt mạnh cơ bản của họ như: lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, có khả năng tiếp thu nhanh về khoa học, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức, quản lý,... Đồng thời, cũng phải thấy được thanh niên đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn về định hướng chính trị. Đánh giá đúng được vị trí, vai trò, mặt mạnh, mặt hạn chế của thanh niên thì mới có cơ sở đề ra các giải pháp sát hợp với tình hình nhiệm vụ và yêu cầu, nguyện vọng và tính cách đặc thù của thanh niên.
Thứ hai, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho thanh niên phấn đấu vươn lên, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích, động viên thanh niên tham gia vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị, cũng như cộng đồng, xã hội; kịp thời giúp đỡ, động viên thanh niên khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tin tưởng và giao cho thanh niên những nhiệm vụ quan trọng; tạo cơ hội cho thanh niên phấn đấu hoàn thiện bản thân, phấn đấu trở thành đảng viên để có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội. Các tổ chức đoàn, hội phát huy vai trò là “trường học xã hội” của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên được thể hiện và khẳng định bản thân, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba, đa dạng các hình thức tập hợp thanh niên vào trong các tổ chức phù hợp với từng đối tượng.
Để hiện thực hóa được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp phải đa dạng các hình thức phù hợp với từng đối tượng thanh niên, để tập hợp họ, tạo thực lực cho các phong trào thanh niên. Có tập hợp, đoàn kết được thanh niên vào trong các tổ chức của Đoàn thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có điều kiện giáo dục, rèn luyện và hướng họ vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.
Gia đình, cộng đồng và xã hội cần tạo điều kiện để thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, phát huy tinh thần trách nhiệm của thanh niên với tư cách là một thành viên của gia đình, cộng đồng và xã hội. Tổ chức đoàn, hội các cấp cần thường xuyên nắm bắt đặc điểm cũng như tình hình tư tưởng, chính trị của thanh niên, định hướng cho thanh niên tham gia vào các tổ chức đoàn hội; kịp thời phát hiện, giúp đỡ những thanh niên có óc sáng tạo, có tinh thần đổi mới, tiến bộ cùng như kịp thời uốn nắn những thanh niên có biểu hiện lệch lạc; đoàn kết, tập hợp thanh niên thành một khối thống nhất, ổn định và bền chặt.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển đất nước nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của thanh niên với đất nước.
Tuyên truyền là một bộ phận của công tác tư tưởng, có vị trí hết sức quan trọng. Các tổ chức đoàn, cần lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục khát vọng phát triển đất nước trong các chương trình giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục làm cho thanh niên dễ nắm bắt, khơi đậy hứng thú tìm hiểu chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng; từ đó có ý thức trách nhiệm tham gia thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng khả năng, vị trí của mình.
Thứ năm, tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức trách nhiệm công dân cho thanh niên
Giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức trách nhiệm công dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nhưng đồng thời cũng là một giải pháp thực tiễn mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải chú trọng thực hiện.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là một dấu mốc quan trọng trong hành trình đưa đất nước thành công đi lên chủ nghĩa xã hội. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học, công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội phát triển cùng với việc phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa... đã tác động rất lớn tới nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên dẫn đến một bộ phận thanh niên tỏ ra nôn nóng hoặc ngoài nghi, thậm chí đi đến phủ nhận lý tưởng chủ nghĩa xã hội nói chung và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nói riêng. Từ thực trạng và bối cảnh nêu trên việc tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức trách nhiệm công dân cho thanh niên là điều vô cùng cần thiết.
Thứ sáu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước trên thế giới.
Để biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực thì cần phải có một thế hệ công dân mới biết làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, phương thức tổ chức, quản lý tiên tiến, trình độ chuyên môn và tay nghề giỏi, có khả năng làm giàu cho bản thân và cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này thì Đảng, Nhà nước cùng với các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Lấy giáo dục đào tạo cùng với khoa học và công nghệ làm tiền đề, làm nền tảng để bồi dưỡng thế hệ trẻ, cần phải xây dựng cho được một xã hội học tập, tạo cho thanh niên môi trường và điều kiện học tập suốt đời. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng bồi dưỡng thanh niên về cả thế chất và tinh thần nhằm xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện.
Thứ bảy, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng năng lực của bản thân.
Mỗi thanh niên cần ý thức được vai trò là “chủ nhân tương lai của đất nước”, ra sức học tập, lao động sản xuất, làm việc, rèn luyện và tu dưỡng bản thân… để lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương; có ý thức đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu; có khát vọng cống hiến, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội để góp phần thực hiện những mục tiêu của cơ quan, đơn vị, địa phương, tiến tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ngoài ra, thanh niên cần phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, xung phong, tình nguyện đến những nơi nhiều khó khăn, những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để chung tay gánh vác, góp phần tháo gỡ những khó khăn, nhân lên sức mạnh, từng bước hiện thức hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc do Đảng đề ra tại Đại hội XIII có ý nghĩa lịch sử to lớn, định hướng tương lai của cả dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 2021-2026 mà cho cả những thập niên tới, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để khát vọng đó trở thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là Đảng phải huy động được lực lượng thực hiện. Lực lượng ấy không ai khác là nhân dân, trong đó đặc biệt là đoàn viên thanh niên, chủ nhân tương lai của của đất nước.