MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHI GIẢNG DẠY Ở LỚP CÓ ĐÔNG HỌC VIÊN
* ThS Nguyễn Thị Thành Minh
Khoa Nhà nước và pháp luật
Lớp học đông với sĩ số từ 60 đến 80 học viên được coi là một môi trường dạy học có nhiều trở ngại trong việc tạo ra các giờ học hứng thú cho đa số học viên, trong việc tạo ra không khí thảo luận giữa giảng viên - học viên, giữa học viên - học viên; cũng như việc tổ chức các hình thức học tập tích cực nhằm giúp học viên phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không thể thực hiện các phương pháp dạy học tích cực ở các lớp đông.
Dù ở loại hình lớp nào, việc thực hiện một bài giảng của giảng viên cũng cần được chia thành ba giai đoạn, song để thành công ở lớp đông học viên, trong mỗi giai đoạn giảng viên cần chú ý những công việc mang tính đặc thù với những yêu cầu nhất định. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị bài giảng. Giai đoạn này bao gồm các khâu:
Xác định mục tiêu bài giảng: Mục tiêu bài giảng ngoài những kiến thức cần thu lượm còn làm thay đổi nhận thức “muốn” và khả năng “có thể” của học viên. Để viết mục tiêu của một bài giảng có thể sử dụng một số động từ: hiểu rõ, phân tích, xác định, giải thích, liệt kê, phân biệt, vận dụng, chứng minh v.v…
Lập kế hoạch bài giảng: Kế hoạch bài giảng giúp cho giảng viên tính toán, sắp xếp nội dung bài giảng một cách khoa học, lôgíc. Kế hoạch bài giảng phải được trình bày đảm bảo nguyên tắc chung: dễ sử dụng, rõ, gọn; thể hiện tiến trình, lôgíc bài giảng; thể hiện phương pháp giảng dạy, phối hợp sử dụng các phương tiện thích hợp và phân bổ thời gian phù hợp để từng bước thực hiện bài giảng đạt hiệu quả cao nhất. Do lớp đông học viên, khi lập kế hoạch bài giảng cần đặc biệt chú ý lựa chọn phương pháp giảng dạy; các phương tiện hỗ trợ phù hợp theo từng phần nội dung trình bày, theo không gian của giảng đường hoặc hội trường nơi tổ chức lớp học.
Kiểm tra cơ sở vật chất: Trước khi lên lớp, giảng viên cần kiểm tra giáo án, tài liệu tham khảo, các phương tiện hỗ trợ đã sẵn sàng hay chưa; giảng đường có trang bị đủ các phương tiện trợ giảng không (đèn chiếu, màn chiếu, máy tính, mic, loa, âm thanh…)
Thứ hai, giai đoạn lên lớp. Khi thực hiện giai đoạn này, cần chú ý các công việc sau: đến lớp sớm trước khoảng 5-10 phút để kiểm tra lần cuối các trang bị cần thiết cho lớp học nhằm bảo đảm các điều kiện ánh sáng, âm thanh…đã sẵn sàng; lắp đặt các thiết bị (máy tính, đèn chiếu…), kiểm tra vị trí lắp đặt sao cho toàn lớp có thể quan sát rõ ràng, đặc biệt là hai hàng học viên ngồi sát bên tường và hàng ghế cuối lớp; hỏi thăm các học viên đến sớm về tình hình lớp, những thắc mắc về bài học cũ… Tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu trong học viên về giảng viên và môn học, bài giảng bằng cách tự giới thiệu về mình và cung cấp số điện thoại, địa chỉ liên hệ; giới thiệu về mục tiêu môn học, tài liệu học tập, địa chỉ các nguồn thông tin, phương pháp giảng dạy và đánh giá của môn học…; tổ chức thăm dò học viên về: năng lực đầu vào, mong muốn của cá nhân về lớp học…
Nhớ tên học viên, nhất là học viên ngồi ở các dãy bàn cuối lớp. Vài lớp đông học viên, giảng viên không thể yêu cầu từng học viên giới thiệu về họ, song có thể biết tên bằng cách nhìn vào sơ đồ chỗ ngồi. Thỉnh thoảng mời các học viên mà mình nhớ tên để trả lời câu hỏi hoặc tham gia vào một hoạt động nào đó. Học viên sẽ cảm thấy được giảng viên quan tâm, và đồng thời giảm đi cảm giác lạc lõng trong lớp đông.
Sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học: Theo quan điểm truyền thống, giảng dạy lý luận chính trị nói chung, ở các lớp đông học viên nói riêng, phương pháp được áp dụng thường xuyên là phương pháp thuyết trình. Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại thì không có phương pháp giảng dạy nào được coi là tối ưu. Ở lớp đông học viên, việc áp dụng phương pháp nhóm sẽ bị giới hạn, song giảng viên có thể phối hợp nhịp nhàng giữa thuyết trình với các phương pháp giúp học viên tăng cường tính tích cực, chủ động như phỏng vấn nhanh, sàng lọc, nêu ý kiến ghi lên bảng, bài tập tình huống… Không nên trình bày bài giảng như những gì có trong tài liệu. Nên bắt đầu bằng một sự kiện/hiện tượng/vấn đề có thật liên quan đến nội dung bài giảng, từ đó, giới thiệu những kiến thức cốt lõi giúp giải quyết vấn đề đặt ra. Học viên sẽ cảm thấy bài giảng có ích, từ đó giúp họ hiểu, nhớ lâu hơn, và có thể áp dụng vào trong thực tế. Theo kết quả nghiên cứu tâm lý, sự tập trung cao độ cho việc học thường chỉ có hiệu quả trong khoảng 15-20 phút. Vì vậy, cứ sau khoảng 15-20 phút thuyết trình, nên chuyển sang một phương pháp dạy học khác. Việc sử dụng các phương pháp giảng dạy cần tạo điều kiện để học viên phát biểu và trân trọng ý kiến của họ cho dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn giúp họ hoàn thiện suy luận của mình một cách tế nhị.
Sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học: Mỗi phương tiện dạy học đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Giảng viên cần phát huy thế mạnh của phương tiện này để hạn chế chỗ yếu của phương tiện khác. Ví dụ như khi sử dụng các trang trình chiếu với những thông tin khái quát, cô đọng bởi các dòng chữ thì giảng viên cần sử dụng bảng viết để minh hoạ bằng những con số; hoặc thay vì việc giảng viên phải vẽ các bảng biểu, sơ đồ trên bảng thì có thể chuẩn bị sẵn trong các trang trình chiếu. Nếu kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện trợ giảng với nhau sẽ giúp cho bài giảng sinh động. Cụ thể như trang trình chiếu sẽ thu hút sự chú ý của người học một cách thụ động, trong khi đó, các bảng ghim, giấy bìa, bảng lật… với các câu hỏi sẽ cho phép học viên cùng tham gia vào quá trình học tập một cách chủ động hơn. Tuy nhiên, với lớp đông, khi thiết kế bài giảng điện tử cần chú ý sao cho cỡ chữ đủ lớn (từ 32-40 pt) để đảm bảo mọi người trong lớp học đều nhìn thấy. Mỗi trang trình chiếu nên có ít hơn 9 dòng chữ, không nên quá 8-10 từ/dòng.
Chuẩn bị các câu chuyện, các trò chơi sư phạm. Trong quá trình dạy học, việc học viên sẵn sàng tiếp thu và tiếp thu có hiệu quả bài giảng luôn là điều các giảng viên hướng tới. Có rất nhiều yếu tố tác động đến điều này mà đặc biệt là nội dung bài giảng cùng với cách tiến hành bài giảng của giảng viên. Cũng có một vai trò quan trọng, còn phải kể đến việc làm sao tạo ra một bầu không khí thoải mái, cởi mở giữa giảng viên và học viên, và giữa học viên với nhau. Hầu như các giảng viên có kinh nghiệm đều có những cách nhất định để tránh cho bài giảng của mình trở nên căng thẳng, nhàm chán, tẻ nhạt. Đó có thể là những tình huống thời sự, những câu chuyện bất ngờ, những mẫu chuyện vui… Vì vậy, hãy chuẩn bị một số câu chuyện thú vị, một số trò chơi thư giãn, gây hứng thú để thường xuyên tái lập khả năng tập trung của học viên. Nên tạo thói quen sưu tầm chuyện vui hoặc các sự kiện thực tế có liên quan đến môn học từ các phương tiện thông tin đại chúng. Học viên cũng được dẫn dắt vào nội dung bài giảng nhanh chóng hơn bằng một trò chơi kích thích tư duy so với cách thuyết trình thông thường mà giảng viên có thể áp dụng ở lớp đông người như: nói tiếp sức; ghế thủ trưởng; hỏi đáp;…
Thứ ba, hoạt động ngoài lớp học. Cần tổ chức các hoạt động ngoại khoá như đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, thăm quan một số cơ sở sản xuất, kinh doanh v.v… để tìm hiểu về các vấn đề có liên quan đến môn học. Đây là điều khó thực hiện với lớp đông, nhưng nếu làm được sẽ mang lại hiệu quả tích cực./.