Thứ ba, 23/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ hai, 19 Tháng 4 2021 08:14

LỄ HỘI CỒNG CHIÊNG – NÉT ĐẸP TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NGƯỜI DÂN TỘC K’HO TẠI HUYỆN LẠC DƯƠNG, LÂM ĐỒNG

Trong đời sống văn hóa của người K’Ho, tiếng cồng hòa lẫn tiếng chiêng và các điệu nhảy đặc trưng thể hiện sự no đủ, hạnh phúc sau mỗi vụ mùa trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng trong rất nhiều bản sắc văn hóa. Trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người bản địa nói chung cũng như đối với du khách thập phương mỗi khi có dịp được đến Đà Lạt.

 Theo Wikipedia Việt Nam, lễ hội Cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hằng năm và luân phiên giữa các tỉnh có văn hóa Cồng chiên, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Sau Nhã nhạc cung đình Huế, ngày 25-11-2005, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại (1). Điều đó khẳng định Việt Nam là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, có nhiều nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Tại đây, những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được dựng lại, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Trên ý nghĩa to lớn đó, trong thời gian qua, Lâm Đồng nói chung cũng như huyện Lạc Dương nói riêng luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng, vừa duy trì những ý nghĩa tốt đẹp vừa góp phần phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.

Theo số liệu trong báo cáo Kinh tế - Xã hội huyện Lạc Dương năm 2020 thì Lạc Dương hiện có 69,7% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, trong đó có 3 nhánh chính K’Ho-Cil, K’Ho-Lạch, K’Ho-Srê. Đồng bào dân tộc ở đây rất giàu truyền thống văn hóa với nhiều nghi lễ và các lễ hội khác nhau như: lễ cúng phát rẫy, cúng gieo lúa, cúng mừng lúa nảy mầm, lễ rửa cổ trâu, lễ cầu lúa trổ bông, lễ gắn bù nhìn, lễ mừng lúa về nhà, lễ cho lúa vào kho, lễ mừng cơm mới… và một trong số những lễ hội không chỉ được người dân bản địa mà với nhiều du khách có dịp đến Đà Lạt và ghé thăm huyện Lạc Dương thích thú đó chính là lễ hội Cồng chiêng.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có 11 điểm sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng của hộ gia đình và 04 khu du lịch. Ngoài ra, tính tới thời điểm cuối năm 2020, huyện Lạc Dương vừa ra mắt thêm 2 Câu lạc bộ Cồng chiêng dân tộc K’ho truyền thống trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, đó chính là câu lạc bộ Cồng chiêng được xây dựng tại xã Đạ Chais và Đa Nhim, mỗi xã 2 đội cồng chiêng với 12 người/đội. Việc xây dựng các Câu lạc bộ Cồng chiêng là một phần trong chương trình xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới do Vụ Văn hóa dân tộc của Bộ VH-TT&DL tổ chức.

Mô hình này được triển khai với các nội dung: Tổ chức tập huấn phương pháp triển khai xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho nghệ nhân, người có uy tín gắn với xây dựng nông thôn mới; Trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đảm bảo phù hợp với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và bảo tồn, phát triển mô hình Câu Lạc bộ Cồng chiêng dân tộc K’Ho tại tỉnh Lâm Đồng(2). Các nhóm thường xuyên tổ chức phục dựng, trình diễn loại hình văn hóa đặc trưng này để phục vụ khách du lịch đến tìm hiểu, mỗi năm thu hút 500 nghìn lượt khách đến giao lưu, tạo doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Lễ hội Cồng chiêng tại huyện Lạc Dương thường được tổ chức vào các buổi tối, sau khi mặt trời lặn, hoạt động không gian văn hóa thường rộn ràng với hai phần cơ bản, bao gồm phần lễ và phần hội. Trong đó phần nghi lễ các du khách sẽ được nghe Già làng giới thiệu về buôn làng, sự ra đời của văn hóa Cồng chiêng và bức tranh cuộc sống của các dân tộc dưới chân núi Lang Biang. Trong phần nghi lễ, nghi lễ cầu thần Lửa được xem là quan trọng nhất. Già làng sẽ mời trưởng đoàn đốt lửa và những nam thanh nữ tú người dân tộc sẽ nhảy điệu ching Wă kwằng để chào đón thần linh và mừng lúa mới.

 Sau khi kết thúc phần nghi lễ là đến phần lễ hội, tại đây, từng hồi chiêng được gióng lên hoàn lẫn từng điệu nhảy thể hiện sự vui tươi, đầm ấm no đủ của buôn làng, sự gần gũi, thân thiện của người dân bản địa, du khách có thể hoà mình vào các trò chơi sinh hoạt cộng đồng, cùng múa hát giao lưu với người dân nơi đây, đồng thời thưởng thức rựu cần và thịt nướng tạo nên không gian ấm cúng, đặc trưng của lễ hội.

Có thể nói việc tổ chức không gian văn hóa Cồng chiêng hay lễ hội Cồng chiêng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng trong những năm vừa qua đã đem lại những kết quả hết sức có ý nghĩa và tích cực. Bên cạnh việc bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên nói chung cũng như lễ hội Cồng chiêng tại huyện nói riêng nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa tới mọi du khách trong và ngoài nước, tạo nên sự phong phú trong văn hóa dân tộc cho người bản địa thì cũng góp phần tạo nên giá trị kinh tế và du lịch của huyện cũng như toàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc tổ chức không gian văn hóa Cồng chiêng hiện nay vẫn còn một số các bất cập cần được quan tâm và giải quyết kịp thời như: việc tổ chức lễ hội Cồng chiêng diễn ra đã có phần thương mại hóa, nhiều nơi tổ chức trong không gian chật hẹp, các nghi lễ được tổ chức một cách sơ sài, các điệu nhảy có nơi biến tướng theo hình thức mua vui du khách; tình trạng chèo kéo khách du lịch tham gia hoạt động lễ hội của các cơ sở và các nhóm tổ chức có lúc diễn ra phức tạp; một số các cơ sở tổ chức các hoạt động lễ hội không có đăng ký kinh doanh, công tác phòng cháy chữa cháy tại một số các cơ sở tổ chức lễ hội không đảm bảo theo quy định…

Trên những ý nghĩa mang tính tích cực cũng như tồn tại một số các bất cập trên. Để không gian văn hóa cồng chiêng tây nguyên nói chung, cũng như lễ hội Cồng chiêng tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng ngày càng phát triển, theo tôi cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy và chính quyền địa phương cần có nhiều các biện pháp mạnh tay nhằm loại bỏ các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh cũng như cụ thể hóa quy định tổ chức lễ hội cho các cơ sở. Đảm bảo ý nghĩa văn hóa, tâm linh cũng như đặc trưng trong văn hóa và lễ hội Cồng chiêng.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép những bài Chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với Cồng chiêng. Ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về cồng chiêng và văn hóa Cồng chiêng Nam Tây Nguyên để lưu giữ, bảo quản và phát huy lâu dài.

Thứ ba, xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình du lịch cộng đồng dân cư dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng nói chung cũng như tại huyện Lạc Dương nói riêng. Tổ chức và hình thành các sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch Lâm Đồng.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, các địa điểm tổ chức lễ hội Cồng chiêng trên địa bàn huyện Lạc Dương đảm bảo theo đúng quy định. Xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp chèo kéo du khách, các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để lễ hội Cồng chiêng tại đây đảm bảo đầy đủ ý nghĩa văn hóa.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, các lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa huyện Lạc Dương và lễ hội Cồng chiêng nơi đây cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó một số bản sắc có nguy cơ mai một dần. Việc quan tâm xây dựng lễ hội Cồng chiêng của người K’Ho tại đây cũng hứa hẹn tạo hiệu quả tích cức để bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản văn hóa cho địa phương cũng như góp phần phát triển kinh tế - du lịch trên địa bàn và trong toàn tỉnh ./. 

Tài liệu tham khảo:

(1) không- gian - văn - hóa - cồng - chiêng - Tây - Nguyên

(2) Theo tác giả Hoàng Yên – bài viết: Xây dựng Câu lạc bộ Cồng chiêng dân tộc K'Ho truyền thống trong phong trào xây dựng Nông thôn mới.

(3) Trang tìm kiếm: Wikipedia Việt Nam.

(4) Báo cáo Kinh tế - Xã hội huyện Lạc Dương các năm 2016 đến 2020.

Nguyễn Thế Nguyên - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001152738
Đang truy cập : 7