Thứ năm, 25/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ ba, 14 Tháng 9 2021 14:55

LÂM ĐỒNG VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

                                        ThS. Nguyễn Thị Nhã – Khoa Xây dựng Đảng

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất quan tâm tới vấn đề phát triển nông nghiệp. Người từng nói: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. (1). Vấn đề là làm sao cho nông nghiệp nước ta phát triển, làm sao để đó là một trụ cột của nền kinh tế luôn là nỗi trăn trở thường xuyên trong tư tưởng của Người.

1. Những quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững

Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng phải phát triển nông nghiệp. Người cho rằng: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc, do vậy “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” (2). Với Người để nâng cao đời sống của người dân thì trước hết phải không ngừng ra sức phát triển nền kinh tế quốc gia. Vấn đề cơ bản, hàng đầu cho sự phát triển đó chính là bắt đầu từ nông nghiệp. Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp đối với Hồ Chí Minh luôn có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia nói chúng và đối với việc nâng cao đời sống của nhân dân nói riêng.

Hai là, Theo Hồ Chí Minh xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững phải là một nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Phát triển nông nghiệp bền vững theo Hồ Chí Minh là phải xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có khoa học kỹ thuật tiên tiến với sự phong phú và đa dạng của các ngành nghề. Đó phải là một nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Người nhấn mạnh nền nông nghiệp phát triển toàn diện không chỉ lấy “sản xuất thóc là chính”, mà đồng thời “phải rất coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ” (3)

Ba là, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra về các biện pháp phát triển nông nghiệp. Hồ Chí Minh cũng đưa ra những biện pháp nhằm phát triển ngành nông nghiệp nước ta trước hết là phải động viên, khuyến khích nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm trong xây dựng và phát triển nông nghiệp. Hai là, phải tiến hành công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghiệp phải giúp nông nghiệp phát triển. Ba là, phải cải biến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bốn là, xây dựng các hợp tác xã trong nông nghiệp. Năm là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp.

2. Tỉnh Lâm Đồng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ nhất, Lâm đồng luôn đánh giá cao vị trí vai trò của sản xuất nông nghiệp với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Lâm Đồng xác định cùng với du lịch thì nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp và coi đây là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế của Tỉnh. Vấn đề này đã được Tỉnh xác định rõ thông qua các kỳ Đại hội của Tỉnh, đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp cụ thể như:  Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/5/2011  về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 về Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Thứ hai, Xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp toàn diện. Trong những năm qua tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư phát triển ngành nông nghiệp toàn diện với sự phát triển của đa dạng các ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và lâm nghiệp. Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự phát triển cho phù hợp với thực trạng của ngành nông nghiệp nên trong những năm qua Tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập.

Thứ ba, Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Lâm Đồng xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi trọng tâm, mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng trưởng của ngành nông nghiệp và của nền kinh tế. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh hiện đạt 54.477 ha, chiếm khoảng 19,5% tổng diện tích đất canh tác. Ngành nông nghiệp của Tỉnh áp dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất như: công nghệ giống mới, công nghệ cấy ghép, công nghệ sinh học, công nghệ cấy ghép… Hiện Tỉnh đang là một trong số những địa phương đi đầu trong cả nước về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, Sản xuất chuyển dịch theo xu hướng giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng chống thiên tai dịch bệnh. Chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững nên trong những năm qua Tỉnh luôn chủ trương xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh trong đó phát triển các mô hình canh tác theo hướng cảnh quan bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sản xuất tới môi trường như: Trồng cây che bóng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đang triển khai mô hình thí điểm Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế xã hội môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch canh nông.

Thứ năm, Hợp tác liên kết và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. Ngành nông nghiệp của Tỉnh cũng sớm tham gia vào các hoạt động liên kết và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, Tỉnh đã tăng cường các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao trong sản xuất. Hiện Lâm Đồng có quan hệ với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đức…) và 12 tổ chức quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại vẫn còn một số hạn chế yếu kém như: cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm, còn nặng về trồng trọt, tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ còn quá thấp. Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi vẫn còn phát sinh trên diện rộng, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Xu hướng phân hóa nhỏ lẻ trong sản xuất ngày càng mạnh mẽ. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn tuy đã được quan tâm, nhưng chưa có các giải pháp thực sự hiệu quả. Hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn còn thiếu sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, nước sạch tại một số nơi còn kém hiệu quả.

Để phát triển ngành nông nghiệp của Lâm Đồng theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh thì trong thời gian tới ngành nông nghiệp của Tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

 Một là, Tiếp tục đầu tư, ứng dụng công nghệ cao phát huy thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tỉnh đạt được những kết quả tốt hơn nữa trước hết cần làm tốt công tác tư tưởng, xác định chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của riêng ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đây là định hướng đúng đắn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân. Trong những năm tới Tỉnh cần tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ một cách đồng bộ trong toàn bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc biệt là khâu chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch.

Hai là, Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị và tăng sức cạnh tranh của nông sản. Trong những năm tới Lâm Đồng cần thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy trình canh tác phù hợp với sự biến đổi của khí hậu và hội nhập quốc tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quy trình canh tác sao cho thích nghi với những thay đổi của điều kiện khí hậu, trồng phù hợp với đòi hỏi, nhu cầu của thị trường quốc tế để sản phẩm nông nghiệp của Tỉnh đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Nghiên cứu ứng dụng và nhân rộng các quy trình canh tác tổng hợp theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, từng bước giảm thiểu diện tích nhà kính chưa đạt chuẩn và ở những nơi ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Thay thế việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp bằng các sản phẩm sinh học, tự nhiên.

Ba là, Đổi mới hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Cần tập trung thực hiện tốt các chính sách sau: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; Thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích tích tụ đất đai. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng để tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, Chính sách nghiên cứu khoa học…

Bốn là, Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Đổi mới quan hệ sản xuất trên cơ sở thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã có năng lực, trình độ, điều kiện sản xuất kinh doanh dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất liên kết, hợp tác với nhau hình thành các hợp tác xã để nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, tạo sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng đáp ứng thị trường và năng lực cạnh tranh.

Năm là, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cần triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thay đổi tư duy nhận thức các cán bộ quản lý trong ngành về xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới, mô hình quản lý mới tiên tiến, hiện đại để có sự tham mưu, điều chỉnh kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho một số cán bộ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ làm công tác nghiên cứu để nâng cao hiệu quả, tính khả thi các đề tài nghiên cứu, ứng dụng; đào tạo cho cán bộ quản lý các nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế.

Sáu là, Phát triển khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và bảo vệ thực vật. Bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ cho công tác chuyển giao ứng dụng giống mới, công nghệ vật liệu mới; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, điều khiển tự động, gắn công nghiệp chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống phân loại, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm sau thu hoạch.

Bảy là, Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế. Để thực hiện tốt công tác hội nhập và hợp tác quốc tế Tỉnh cần thực hiện tốt các hoạt động cơ bản như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác, tổ chức và địa phương nước ngoài. Tích cực vận động nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA). Tiếp tục quảng bá, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác thông tin và truyền thông, các chính sách ưu đãi đầu tư. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế.

Lâm Đồng xác định phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch là hai nền kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Thấy rõ vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp đối với nền kinh tế của Tỉnh nhà nên trong những năm qua Tỉnh luôn chú trọng đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Tận dụng và khai thác các điều kiện ưu đãi của thiên nhiên cùng với việc vận dụng, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang đưa ngành nông nghiệp của Tỉnh dẫn đầu cả nước về một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Để giữ vững những thành tựu mà ngành nông nghiệp của Tỉnh đã làm được trong những năm qua và phát triển ngành nông nghiệp tương xứng với những tiềm năng sẵn có Tỉnh cần có hệ thống những giải pháp phù hợp trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của Chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm đưa nông nghiệp của Tỉnh phát triển hiện đại và bền vững.

(1), (2), Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 4, tr246 Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

(3), Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 13, tr199 Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001154033
Đang truy cập : 31