Thứ tư, 24/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 10:12

CAO TỐC DẦU GIÂY – LIÊN KHƯƠNG HÌNH THỨC HỢP TÁC CÔNG TƯ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Đại hội XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện thông qua nhiều hình thức: Nhà nước làm chủ đầu tư; tổ chức, tư nhân làm chủ đầu tư; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư;… hình thức hợp tác công tư.

Hợp tác công tư được hiểu là giác độ chung nhất là hoạt động phối hợp giữa nhà nước và tư nhân trong quá trình cùng cung cấp một hàng hoá hay dịch vụ nào đó. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Parnership - PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Hợp đồng dự án PPP là thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP bao gồm các loại hợp đồng: Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công. Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công. Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng kết hợp giữa 02 loại hợp đồng trên.

Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công: Hợp đồng BOT (Build – Operate – Transfer: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước. Hợp đồng BTO (Build – Transfer – Operate: Xây dựng – Chuyển giao - Kinh doanh) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định. Hợp đồng BOO (Build – Own – Operate: Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng O&M (Operate – Manage: Kinh doanh – Quản lý) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng.

Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, bao gồm: Hợp đồng BTL (Build – Transfer – Lease: Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành; được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Hợp đồng BLT (Build – Lease – Transfer: Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao) là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.

Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, xác định dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thuộc danh mục các dự án phát triển hạ tầng giao thông quan trọng vận chuyển giữa Đà Lạt – Lâm Đồng với các tỉnh phía Nam. Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP), được thực hiện theo hợp đồng BOT (Build – Operate – Transfer: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Cao tốc Dầu Dây – Liên Khương có tổng chiều dài 200,3 km, được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 60km; giai đoạn 2 từ Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67km; giai đoạn 3 từ Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài 73km. Tổng kinh phí đầu tư toàn dự án 65 ngàn tỷ đồng. Hệ thống cao tốc toàn tuyến có 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc hạng A, vận tốc thiết kế lên đến 100km/giờ.

Theo thông báo số 24/TB-VPCP ngày 04/02/2021 của Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao Uỷ ban nhân dân  tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc giai đoạn 2021 – 2025 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m, với tổng mức đầu tư khoảng 18,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 47% (24% ngân sách Trung ương, 23% ngân sách địa phương tỉnh Lâm Đồng); vốn nhà đầu tư BOT 53%.

Sau khi dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành sẽ tạo một bước đột phá trong quá trình vận chuyển hàng hoá và lưu thông vận tải từ Lâm Đồng đi các tỉnh phía Nam; tạo động lực giao lưu, phát triển kinh tế giữa 2 vùng kinh tế Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; tạo thế tam giác du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Khánh Hoà). Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là một trong bảy tuyến đường thuộc hệ thống đường cao tốc quan trọng quốc gia tại khu vực phía Nam, cùng với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tạo động lực phát triển, chuyển dịch kinh tế - xã hội, hoạt động giao dịch thương mại hàng hoá và dịch vụ nhanh chóng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, … phát triển, có ý nghĩa quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng tỉnh Lâm Đồng và khu vực; tạo đà đưa Lâm Đồng sang bước phát triển mới, vững bước phồn vinh.

Tài liệu tham khảo:

  • Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
  • Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020

Ths. Nguyễn Văn Phước

Khoa Nhà nước & Pháp luật

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001153047
Đang truy cập : 8