Thứ sáu, 26/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ sáu, 08 Tháng 4 2022 08:33

TÌM HIỂU QUAN ĐIỂM PHÁT HUY Ý CHÍ, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC KẾT HỢP VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là bài học mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam luôn được Đảng ta nhận thức, quán triệt và nhấn mạnh qua các kỳ Đại hội của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh nội dung này và coi đây là một yêu cầu trong chiến lược phát triển đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn quan trọng, trong đó có quan điểm về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thể hiện tập trung ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Đảng ta tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và xác định rõ mục tiêu của vấn đề phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Nội dung này được Đảng ta thể hiện trong chủ đề của Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [1] cho thấy Đảng đánh giá cao vai trò của chiến lược đại đoàn kết trong xây dựng đất nước giai đoạn mới. Việc đặt nội dung trên ngay trong tiêu đề của Đại hội đã khẳng định mạnh mẽ hơn và thể hiện mục tiêu cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên những thắng lợi của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. 

Hai là, Đảng ta nhận thức đúng đắn nội hàm của việc kết hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại.

 Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Trong quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII, quan điểm chỉ đạo thứ bốn đề cập trực tiếp đến nội dung này là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” [2].

Quan điểm tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ giữa việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một tất yếu khách quan, là vấn đề có tính quy luật, cũng là một yêu cầu trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Quan điểm là một trong những nội dung quan trọng, trong đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc là tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Theo tinh thần của quan điểm cho thấy Đảng ta đã nhận thức được rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, nội hàm của sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại và về phương pháp, yêu cầu, phương châm của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình kết hợp trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay trong mối quan hệ với các vấn đề quan trọng khác. Đây là cơ sở hàng đầu để Đảng ta quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại trọng đại của đất nước hiện nay. Đảng đã gắn đại đoàn kết với ý nghĩa là khối liên kết tạo nên sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Chính vì thế, khát vọng phát triển là một chiến lược lâu dài và để thực hiện khát vọng đó thì mấu chốt là phải thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, qua đó mới có thể kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đáp ứng được cả những yêu cầu của phát triển bên trong quốc gia và tăng cường vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về đại đoàn kết trong Văn kiện Đại hội khóa XIII còn chỉ ra hết sức cụ thể cách thức, nội dung thực hiện đại đoàn kết với từng nhóm đối tượng, đồng thời cũng chỉ rõ trách nhiệm, chủ thể thực hiện, theo đó, đại đoàn kết phải là nhiệm vụ xuất phát từ mỗi cá nhân với tâm thế đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên lợi ích riêng của cá nhân, nhóm xã hội. Đảng ta đã xác lập rõ các thành tố của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được cấu thành bởi mọi người dân Việt Nam, trong đó gồm tất cả các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, các bộ phận xã hội khác nhau đều đóng góp một vai trò nhất định trong việc tạo nên sức mạnh chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đều được Đảng ta trân trọng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền chắc, không ngừng được mở rộng và phát huy sức mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình nhận thức về mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để kết hợp hai nguồn sức mạnh, phải quán triệt quan điểm, sức mạnh dân tộc, yếu tố nội lực là yếu tố có tính chất quyết định và phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết với nội hàm cụ thể là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia.

Ba là, nội dung phát huy ý chí, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục được xác định là một mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu tổng quát thứ ba trong Văn kiện Đảng Đại hội XIII xác định: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” [3]. Đảng ta xác định phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, với mức độ và tần suất được nhấn mạnh nhiều lần, có thể khẳng định Đảng ta đặt nội dung “phát huy ý chí, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại” là một quan điểm cơ bản, là một trong những nội dung lớn có tính chất chiến lược quyết định trong đường lối cách mạng của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Trong Văn kiện Đại hội XIII, có thể thấy đoàn kết không chỉ gắn với dân chủ mà còn gắn với kỷ cương và pháp luật và quan trọng hơn là mọi sự gắn kết, đồng thuận đều trên tinh thần vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, đồng thời phải tuân thủ kỷ cương, pháp luật thể hiện Đảng ta đã nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của đại đoàn kết trong mối quan hệ với các vấn đề quan trọng khác của chủ nghĩa xã hội.

Tiếp tục phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; chú trọng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thời gian qua, trong phòng, chống dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể cùng đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ sự thống nhất, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện ủng hộ; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19… qua đó, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân trong chống dịch bệnh, từ đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nhân lên.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn mang tầm nhìn chiến lược về sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII về kết hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại đã góp phần khẳng định những thành tựu nổi bật của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, môi trường, đời sống nhân dân; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế… góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu trên cho thấy năng lực, trí tuệ và bản lĩnh của Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta, qua đó đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vận hành của hệ thống chính trị mà trong đó, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại luôn là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

 

* Tài liệu tham khảo:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, H, 2021, tr.14.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, H, 2021, tr.110, 111.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb CTQG Sự thật, H, 2021, tr.111, 112.

4. Hội đồng lý luận Trung ương, Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG Sự thật, H, 2021.

 

ThS. Chu Thị Thu Trang -  Khoa Xây dựng Đảng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001154976
Đang truy cập : 31