Thứ năm, 25/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ ba, 05 Tháng 7 2022 14:57

NHẬN THỨC VỀ ĐA ĐẢNG CHÍNH TRỊ VÀ NHẤT NGUYÊN CỦA MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH HIỆN NAY

* Nguyễn Thế Nguyên

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

           

Trong nhiều văn kiện của Đảng, Đảng ta luôn khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.Đây không chỉ là sự khẳng định có tính kế thừa từ trước mà còn là sự phản ánh của cả một quá trình đấu tranh lâu dài và phát triển của Đảng từ khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập cho đến nay. Quá trình đó là cả một sự thử thách lớn của lịch sử, những thành tựu mà Đảng cộng sản Việt Nam đạt được đã khẳng định tính ưu việt của một chính đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho toàn thể lợi ích của nhân dân, giai cấp và cho toàn dân tộc.

Tuy nhiên cho tới nay, việc nhận thức như thế nào cho đúng về đa đảng chính trị và nhất nguyên của một đảng cầm quyền trong tư tưởng của một bộ phận nhân dân cũng đang là một vấn đề rất to lớn có tính ổn định chính trị, tư tưởng cũng như sự đồng thuận trong xã hội, tạo điều kiện đánh bại các thế lực thù địch với Việt Nam, chúng vẫn đang rêu rao tư tưởng "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập", hòng truyền bá và kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, cũng như để khẳng định hơn nữa vai trò to lớn của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quá trình phát triển của đất nước. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này chúng ta cần hiểu được một số điểm như sau:

Thứ nhất: Thế nào là Đảng chính trị?

Trước hết ta cần nhận thức được Đảng chính trị chính là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp. Đảng chính trị đại diện cho một giai cấp hoặc một tầng lớp trong xã hội. Đảng chính trị ra đời một cách tự giác khi cuộc đấu tranh giai cấp phát triển ở một trình độ cao đến mức cần phải có một tổ chức tham mưu lãnh đạo điều hành thống nhất về tư tưởng và hành động của cả giai cấp.

Đảng chính trị bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Đảng chính trị không chỉ là đại diện cho hệ tư tưởng mà còn là tổ chức cao nhất, chặt chẽ nhất của một giai cấp; tập hợp những người giác ngộ nhất, kiên quyết nhất trong đấu tranh thực thi quyền lực và lợi ích giai cấp mình, nên không có đảng nào là đảng phi giai cấp hay siêu giai cấp. Một giai cấp có thể có nhiều đảng, mỗi đảng đại diện cho một tầng lớp trong giai cấp và cũng là đại biểu cho cả giai cấp đó. Ví dụ như trong các nước tư bản, giai cấp tư sản là giai cấp chính, trong giai cấp đó có nhiều đảng chính trị khác nhau như:  Đảng dân chủ, đảng cộng hòa, đảng bảo thủ….

Như vậy, Đảng chính trị là một tổ chức chính trị tự nguyện, liên minh của những người cùng tư tưởng, theo đuổi những mục đích chính trị nhất định; cố gắng giành ảnh hưởng lãnh đạo đối với đời sống chính trị và tổ chức xã hội, ra sức giành và giữ chính quyền để thực hiện đường lối của mình.

Thứ hai: Vì sao không thể đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ nhất, Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là chế độ chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đa nguyên chính trị là tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội. Nó xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong đấu tranh chống độc quyền, bảo vệ sự đa dạng và bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản.

Khi các tổ chức độc quyền xuất hiện, đa nguyên chính trị mất dần ý nghĩa ban đầu, trở thành thủ đoạn để điều chỉnh lợi ích trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các nhóm, tổ chức độc quyền có lực lượng ngang bằng nhau và là bình phong “dân chủ” che đậy sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội tư bản.

Khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, đa nguyên chính trị trở thành công cụ tư tưởng để giai cấp tư sản chống các nhà nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và các trào lưu tiến bộ trên thế giới bằng việc đòi mở rộng quyền tự do dân chủ vô chính phủ, chống nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi thực hiện chế độ đa đảng, nhằm vô hiệu hóa và từng bước đẩy Đảng Cộng sản khỏi vị trí lãnh đạo xã hội, đòi xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản – bề ngoài đại diện cho lợi ích của tất cả các nhóm, đảng phi đối lập, nhưng thực chất đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản.

Thứ hai, Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không bảo đảm được dân chủ đích thực. Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì hoặc quyền lực thuộc về giai cấp bóc lột hoặc thuộc về giai cấp bị bóc lột mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp. Bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột.

Như vậy, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tất yếu không phải là mô hình chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba: Chế độ đa đảng chính trị trong các nước Tư bản chủ nghĩa và những mâu thuẫn nội tại.

Chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đã trở thành phổ biến trong các nước tư bản chủ nghĩa là xuất phát từ bản chất của giai cấp tư sản. Điều này có nguồn gốc từ kết cấu nhiều tầng bậc trong nội bộ giai cấp tư sản. Trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, dù có chung mục đích là lật đổ chế độ phong kiến xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng mỗi tầng lớp tư sản có lợi ích khác nhau, họ lập ra các đảng đại điện cho quyền lợi của mình.

Vì vậy, ngay trong quá trình giành chính quyền, cách mạng tư sản đã mang trong bản thân nó một cố kết chính trị nhiều đảng. Ngày nay, những mâu thuẫn cục bộ về lợi ích giữa các tập đoàn tư bản cũng như mâu thuẫn cơ bản với các giai cấp và tầng lớp khác không những không mất đi mà còn tăng lên với cả các tầng lớp xã hội mới trưởng thành. Vì thế mà các đảng khác nhau ấy vẫn tồn tại bên nhau, các đảng mới tiếp tục được thành lập, chúng đấu tranh giành giật quyền lực, lợi ích với nhau. Điều này sẽ tạo những mâu thuẫn không thể điều hòa và cũng là lý do làm cho tình hình chính trị thường căng thẳng và dễ xung đột.

Thứ tư: Chế độ nhất nguyên trong XHCN và sự lựa chọn về Đảng cộng sản cầm quyền của nhân dân ta.

Lênin đã từng khẳng định rằng: Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất có thể ''đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột để giúp họ tổ chức đời sống của họ''.

Quyền duy nhất lãnh đạo cách mạng của một Đảng Cộng sản là do bản chất của giai cấp công nhân quy định. Trong tất cả các giai cấp cách mạng của lịch sử, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng triệt để nhất. Bản chất cách mạng triệt để của giai cấp vô sản không phải vì họ là người nghèo nhất mà chính họ là giai cấp công nhân trong lực lượng sản xuất công nghiệp hiện đại, 1à người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất của thời đại; cũng là giai cấp thuần nhất và thống nhất. Cho nên, giai cấp công nhân không đại diện cho một lợi ích riêng biệt mà đại diện cho sự giải phóng ''lao động''...cho toàn bộ quyền lực và lợi ích của nhân dân lao động. Vì vậy, khi đấu tranh giải phóng cho mình, giai cấp công nhân cũng đồng thời giải phóng cho tất cả. Cho nên, đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản không chỉ đại diện cho quyền lực và lợt ích của giai cấp công nhân, mà còn đại diện cho giai cấp nông dân, cho nhân dân lao động là cả dân tộc. Chính lẽ đó mà ngay từ đầu Đảng Cộng sản là một khối thống nhất ý chí và hành động như Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến hành thì chỉ như một người”, đồng thời cũng được giai cấp nông dân, nhân dân lao động, cả dân tộc xem là đảng của mình mà không cần thành lập thêm một đảng nào khác.

Để làm rõ thêm về vấn đề này một lần nữa tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta nhấn mạnh và khẳng định nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước chỉ do Đảng cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ và kỷ luật trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Như vậy có thể nói, sự nhất nguyên về chính trị hay duy trì chế độ một Đảng cầm quyền duy nhất là sự lựa chọn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn thể nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam – Đảng duy nhất đảm bảo quyền lợi và lợi ích thiết thực nhất cho toàn nhân dân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng công cuộc xây dựng đất nước sẽ đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp hơn nữa, là nền tảng cho toàn xã hội vững tin, sẵn sàng vượt qua trước mọi thách thức của thời đại./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban tuyên giáo trung ương: phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2007,tr.53.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

3. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19 - 01 - 2011).

4. GS.,TS Nguyễn Văn Huyên, Chủ biên (2007), Hệ thống chính trị Anh, Mỹ, Pháp (Mô hình tổ chức và hoạt động), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 267,268.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001154073
Đang truy cập : 34