Thứ bảy, 20/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ tư, 17 Tháng 8 2022 15:48

Ý NGHĨA CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH

Ý NGHĨA CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH

ThS. Nguyễn Thị Thành Minh

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Thực tiễn lịch sử cho thấy, việc phát xít Nhật đầu hàng đồng minh đã đem lại thời cơ cho Cách mạng của nhiều nước ở khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ những điều kiện chủ quan đã đóng vai trò quyết định tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là sự chuẩn bị trực tiếp, lâu dài, chu đáo về lực lượng cách mạng để nắm lấy thời cơ và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Sống dưới ách đô hộ áp bức bóc lột tàn bạo kéo dài hàng trăm năm của kẻ thù, trước Cách mạng Tháng Tám đất nước phải gánh chịu nhiều tổn thất và mất mát đau thương. Nước nghèo, dân đói, xã hội lạc hậu, hơn 80% dân số mù chữ. Với truyền thống đoàn kết và yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường và bất khuất, các tầng lớp nhân dân đã anh dũng vùng lên đấu tranh. Nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước liên tiếp mở ra nhưng đều bị quân thù khủng bố đẫm máu. Mặc dù vậy chúng vẫn không khuất phục được tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân anh dũng đứng lên đấu tranh. Trong bài viết “Đảng và Bác Hồ trong Cách mạng Tháng Tám” đăng trên báo Quân đội nhân dân, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: “Sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ là thống nhất và thể hiện ở việc đề ra phát triển đường lối và Cách mạng giải phóng dân tộc, nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc”. Đường lối đó được nêu ra tại Hội Nghị Trung ương tháng 11 năm 1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì và sau đó Hội nghị Trung ương tháng 5 năm 1941 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã phát triển hoàn chỉnh. Đường lối cơ bản đó của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thông qua tổ chức thực tiễn. Và thực tiễn lại tiếp tục kiểm chứng, bổ sung, cụ thể hoá, khái quát hoá thành những chủ trương sát hợp với tình hình cách mạng, nhất là trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến trong nước và quốc tế, Người nói với các đồng chí của mình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc.

Thực hiện quyết định của Đảng và lãnh tụ, Quốc dân Đại hội được triệu tập ở Tân Trào. Ngày 16-8-1945, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Uỷ ban có nhiệm vụ chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa của cả nước và khi khởi nghĩa thành công trở thành Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với đường lối chủ trương đúng đắn, sự chỉ đạo thống nhất kịp thời, cuộc tổng khởi nghĩa trên cả nước đã nhanh chóng giành thắng lợi trong nửa cuối tháng 8 năm 1945. Cách mạng Tháng Tám là sự phát triển sáng tạo của khoa học nghệ thuật, khởi nghĩa của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đặc biệt là sự chủ động xử lý đúng đắn tình thế và thời cơ cách mạng.

Minh_anh_baiviet_thang8.jpg

Ngày 19-8-1945, dưới dự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam giành chính quyền tại Phủ Khâm sau Bắc Kỳ (Hà Nội). (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cỗ vũ cho các dân tộc đang bị áp bức vùng lên đập tan xiền xích nô lệ thực dân.

Trong bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân có tiêu đề “Cuộc cách mạng mang lại nền độc lập, tự do cho dân tộc”. Thiếu tướng PGS.TS Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng tiền phong của giai cấp công nhân, tháng 8/1945, nhân dân cả nước đã anh dũng vùng lên đấu tranh đánh đổ chế độ đô hộ, áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phát xít và phong kiến, giành chính quyền trên cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Tuyên ngôn của quốc gia đã cho thấy rõ lòng yêu hoà bình, sự quý trọng độc lập và tự do của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhưng không để Việt Nam có hoà bình và độc lập, dân tộc được tự do, ấm no và hạnh phúc, kẻ thù đã mở cuộc tiến công xâm lược nước ta một lần nữa.

Quyết không khuất phục trước dã tâm xâm lược và sức mạnh quân sự của quân thù, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, với tinh thần và quyết tâm rất cao: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, quân và dân ta đã làm nên những chiến thắng vang dội, từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến trận quyết chiến Điện Biên Phủ năm 1954, sau đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong bài viết có tiêu đề “Mốc son chói lọi” tác giả Hoàng Vũ cho biết: Nhà sử học Nauy Stein Tonnesson, trong cuốn sách “The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (tạm dịch: Cách mạng Việt Nam năm 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và de Gaulle trong một thế giới chiến tranh) đã khẳng định: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là “tình cờ”, “ngẫu nhiên” hoặc “ăn may”, mà là một “cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế.

Trong một bài báo trên trang mạng Acercando Nacionnes của Argentina, nhà báo Jorge Tuero cũng đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng đưa ra sách lược đúng đắn cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông dương và mặt trận Việt Minh.  Nhà báo Jorge Tuero khẳng định: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đưa ra những quyết sách cần thiết vào thời điểm thích hợp, kết hợp với quá trình chuẩn bị cả về chính trị và quân sự kỹ lưỡng để bảo đảm tính đoàn kết dân tộc, trên cơ sở khối liên minh công - nông đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 2-9-1945”.

Trong thư gửi Cao uỷ D’Agienlieu ngày 8-12-1945, ông CAPUT, Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ đã thừa nhận: “Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh đã có đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam. Họ vẫn là những người có khả năng hơn cả để lôi cuốn được mọi người”. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã làm nên một điều kỳ diệu. Thắng lợi vĩ đại ấy khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thân phận nô lệ, dân tộc Việt Nam trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của chính mình. Theo Giáo sư người Nga Aleksandr Sokolovsky: “Không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào thấy rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Theo nhà sử học người Pháp Alain Ruscio đã khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở Châu Phi và “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập ở một nước thuộc địa”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta xác định đúng thời cơ, phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Cách mạng Tháng Tám là thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng, sự chủ động, sáng tạo của các cấp bộ đảng địa phương, các xứ uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ đến tổ chức đảng ở cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa.

Nhớ về mùa thu cách mạng cách đây 77 năm tại Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội năm 1945 vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng đầy cam go, ác liệt những cũng rất vẻ vang. Không chỉ mang lại độc lập tự do cho dân tộc mà còn để lại những bài học lịch sử có giá trị. Ông khẳng định: “Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này cho thấy, công tác binh vận, địch vận đã đóng góp quan trọng trong thắng lợi chung của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều quan lại cấp cao của triều đình nhà Nguyễn, nhiều sĩ quan quân đội Nhật được giác ngộ đã tham gia hàng ngũ Việt Minh, không tiếc xương máu chiến đấu vì độc lập, tự do của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…”. Bài học thành công về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta phát triển trong các thời kỳ cách mạng tiếp theo, dẫn tới thắng lợi của các cuộc cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành trọn vẹn độc lập, thống nhất tổ quốc. Không chỉ giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta còn thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nhân tố quan trọng, quyết định, tạo nên sức mạnh để quân và dân ta đánh thắng mọi kẻ thù, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ và Tổ quốc là vai trò lãnh đạo của Đảng cùng sức mạnh đấu tranh của toàn dân. Trong xây dựng đất nước vững bước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã tiến hành rất thành công sự nghiệp đổi mới. Ta đã phát huy cao nhất sức mạnh trong nước với mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong quá trình đẩy mạnh quan hệ và hợp tác quốc tế, các cấp đã kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác và đấu tranh, càng làm tăng thêm sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng ta đã phá được thế bao vây cấm vận của đế quốc, xây dựng đất nước với kinh tế văn hoá khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, tạo nên nền tảng vững chắc để ta công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược mà Đảng và nhà nước đã đề ra: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là nguồn sức mạnh cỗ vũ dân tộc Việt Nam vững tin tiến về phía trước./.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001151124
Đang truy cập : 21