Thứ sáu, 19/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ hai, 24 Tháng 4 2023 09:06

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Người viết: ThS. Nguyễn Thị Thành Minh

Khoa Nhà nước và pháp luật

  

 

Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch là một trong những ngày lễ trọng đại được mọi người dân Việt Nam mong đợi. Đây là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng hay Quốc Giỗ là ngày giỗ các vị vua Hùng. Đa số người dân nước Việt Nam đều biết rõ ngày Giỗ tổ Hùng Vương, bởi đây là một ngày lễ quan trọng của dân tộc nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công dựng nước của các vị vua. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ mang âm hưởng bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng được diễn ra hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng Phú Thọ. Hằng năm, cứ vào ngày này người dân trên cả nước đổ về Đền Hùng để thăm viếng các vị vua Hùng những người đã có công đóng góp, dựng nước Văn Lang cho dân tộc Lạc Việt. Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ là một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Nguồn gốc của ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Theo truyền thuyết xưa, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thuỷ tổ của dân tộc Việt Nam. Nàng Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi và người con cả được truyền ngôi lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương.

Lịch sử ngày Giỗ tổ Hùng Vương xuất hiện cách đây hơn hai nghìn năm vào thời vua An Dương Vương, trên cột đá thề dựng trên núi Nghĩa Lĩnh có ghi rằng: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giáng, nước Nam được trường tồn ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trôm nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Do đó, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân ta vẫn tổ chức lễ hội để ca ngợi sự hi sinh lớn lao của các vị vua Hùng đối với non sông đất nước, những vị vua đã có công lớn ngay từ khi lên ngôi, đã sát lập ngọc phả về thời đại Hùng Vương.

Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như: đâm đuống (hay còn gọi đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng và kết thúc vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dân hương trên Đền Thượng. Lễ hội Đền Hùng được nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành Quốc Giỗ, tổ chức lớn vào những năm chẵn. Có hai lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội tại Đền Hùng đó là: Lễ rước kiệu vua, đám rước kiệu nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới Đền Thượng nơi làm lễ dân hương. Lễ dâng hương – người hành hương tới Đền Hùng vì nhu cầu đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những tâm niệm của mình với tổ tiên. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đó là những cuộc thi hát Xoan một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ. Những cuộc thi vật, thi kéo co, thi bơi chải ở ngã ba sông Bạch Hạt nơi các Vua Hùng luyện tập các đoàn binh thuỷ luyện chiến.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tính từ thời Kinh Dương Vương, vào năm 2879 trước công nguyên cho đến hết thời Hùng Vương năm 258 trước công nguyên kéo dài 2622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 trước công nguyên thì bị thục phán tức An Dương Vương thôn tích (theo Nguyễn Khắc Thuần trong Thế thứ các triều đại vua Việt Nam) thì 18 vị Vua Hùng là:

1. Kinh Dương Vương từ năm 2879 - 2794 trước công nguyên

2. Hùng Hiền Vương còn được gọi là Lạc Long Quân từ 2793 – 2525 trước công nguyên

3. Hùng Lân Vương từ 2524 – 2253 trước công nguyên

4. Hùng Việp Vương từ 2252 – 1913 trước công nguyên

5. Hùng Hi Vương từ 1912 – 1713 trước công nguyên

6. Hùng Huy Vương từ 17112 – 1632 trước công nguyên

7. Hùng Chiêu Vương từ 1631- 1432 trước công nguyên

8. Hùng Vĩ Vương từ 1431 – 1332 trước công nguyên

9. Hùng Định Vương từ 1331 – 1252 trước công nguyên

10. Hùng Hi Vương từ 1251 – 1162 trước công nguyên

11. Hùng Trinh Vương từ 1161 – 1055 trước công nguyên

12. Hùng Vũ Vương từ 1054 – 969 trước công nguyên

13. Hùng Việt Vương từ 968 – 854 trước công nguyên

14. Hùng Anh Vương từ 854 – 755 trước công nguyên

15. Hùng Triêu Vương từ 754 – 661 trước công nguyên

16. Hùng Tạo Vương từ 660 – 569 trước công nguyên

17. Hùng Nghị Vương từ 568 – 409 trước công nguyên

18. Hùng Duệ Vương từ 408 – 258 trước công nguyên

Ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội tôn vinh giá trị truyền thống trong tâm thức người Việt. Mang trong mình niềm tự hào dân tộc, hình tượng Hùng Vương đại diện cho sự kỳ vĩ của các vị anh hùng Việt Nam. Ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để con cháu rồng tiên có cơ hội để thể hiện lòng biết ơn, lòng tự tôn dân tộc qua suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Việt Nam luôn ghi nhớ:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Đây chính là một lời khẳng định cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn luôn hướng về tổ quốc thân yêu. Giổ tổ Hùng Vương mang âm hưởng dân tộc ca ngợi những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam.

 
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ) ngày 19/9/1954

Bác Hồ đã từng dạy rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác Hồ khẳng định nước ta là một nước văn hiến, có truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời, và công lao dựng nước của các vua Hùng thật là to lớn. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta luôn luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm vô cùng hung hãn. Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã tạo nên một truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo và có tinh thần độc lập tự chủ. Vì thế dân ta đã làm nên biết bao chiến công oai hùng, dựng nên đất nước, khẳng định quyền và bồi đắp bản sắc dân tộc./.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001150500
Đang truy cập : 15